Những sai lầm khi nghe tiếng anh
Khi được hỏi “Các bạn đang luyện nghe như thế nào?”, đa số các bạn trả lời rằng:
Luyện nghe mỗi ngày
Nghe bất cứ lúc nào rảnh
Xem phim, nghe nhạc
Nghe tin tức, nghe các bản tin VOA, BBC…
Nghe các đoạn audio trong giáo trình
…
Và kết quả chung nhận được là “Tôi nghe hoài mà vẫn không hiểu”, “Tôi nghe hoài mà vẫn không tiến bộ”.
Vì sao lại như vậy?
Trong trường hợp này, chúng ta không xét đến những bạn không luyện nghe thường xuyên, hoặc nghe được vài buổi rồi bỏ cuộc giữa chừng. (Dĩ nhiên nếu bạn không luyện nghe thường xuyên, 99% là bạn sẽ không tiến bộ). Điều đó có nghĩa là những bạn của chúng ta đều rất siêng năng, chăm chỉ luyện nghe. Vậy nguyên nhân họ không tiến bộ là do đâu?
Bản thân tôi cho rằng, để luyện nghe tiếng anh hiệu quả, bạn cần trả lời được 2 câu hỏi sau:
Nghe cái gì? Nghĩa là bạn chọn những nguồn tư liệu, nội dung gì để nghe. Chẳng hạn nghe nhạc, xem phim, nghe bản tin VOA, nghe đoạn hội thoại… chính là “Nghe cái gì”. Tôi sẽ đề cập đến phần này cụ thể hơn ở một bài viết khác.
Nghe như thế nào? Chính là phương pháp, cách thức mà bạn luyện nghe. Nguyên nhân khiến bạn nghe hoài không tiến bộ nằm ở đây. Nếu bạn không có một phương pháp nghe hiệu quả, bạn sẽ khó lòng tiến bộ cho dù bạn nghe “ bất cứ cái gì”.
Học nghe tiếng Anh như thế nào mới hiệu quả?
Nhiều bạn nghe theo kiểu “tắm ngôn ngữ”, nghe không cần hiểu những gì được nói, nghe khi đang làm bất cứ việc gì mà không cần tập trung… Bạn chỉ việc mở tiếng Anh lên nghe, rồi cùng lúc đi giặt đồ, lau nhà, lướt web… Bạn “tắm” trong một môi trường nghe tiếng Anh hằng ngày, hằng giờ. Tôi thấy phương pháp giúp ích trong việc giúp tai bạn quen thuộc với tiếng Anh hơn.
Nhưng vấn đề ở đây là “Khi bạn áp dụng phương pháp này, bạn không biết khi nào bạn mới nghe được!”.
“Quen thuộc” với tiếng Anh không có nghĩa là “nghe được tiếng Anh”.
ạn sẽ “tắm ngôn ngữ” như thế trong bao lâu? Một tháng, hai tháng, … hay 1 năm, 2 năm, thậm chí 4 – 5 năm? Nếu bạn không muốn đánh cược khả năng nghe tiếng Anh của mình với phương pháp này, bạn cần biết đến một phương pháp luyện nghe hiệu quả và an toàn hơn. Hãy đọc tiếp bên dưới.
Để áp dụng đúng và hiệu quả phương pháp luyện nghe này, bạn cần hiểu những nguyên nhân khiến bạn nghe không được.
Bạn có mắc phải 3 sai lầm này khi nghe tiếng anh không?
Thứ nhất, bạn nghe mà không biết mình đang nghe cái gì. Điều này thường xuyên xảy ra, nhất là khi bạn mới học tiếng Anh hoặc vốn từ vựng quá ít. Nếu bạn nghe một từ (cụm từ, câu) nào đó lần đầu tiên, bạn hoàn toàn không có một ý tưởng hay khái niệm nào về cái mà bạn nghe được.
Khi bạn nghe mà không hiểu từ mình nghe được nghĩa là gì, diễn tả hiện tượng hay hành động nào, thì cho dù bạn có nghe 100 lần, bạn cũng không hiểu được từ đó.
Dĩ nhiên, sẽ có bạn nói rằng “Tôi có thể suy đoán từ ngữ cảnh, từ những cái nghe được để hiểu nghĩa”, hoặc “Tôi có thể nhìn hình ảnh để đoán nghĩa”… Điều này hoàn toàn đúng với những bạn có khả năng nghe tương đối.
Nhưng nếu bạn nghe rất kém, nghe một đoạn audio 300 từ, không có video hay hình ảnh minh họa, hơn 60% từ vựng trong đó bạn mới nghe lần đầu… thì dù có nghe hoài, nghe mãi, nghe đi nghe lại cả chục lần cũng khó mà hiểu được.
Thứ hai, bạn nghe một nội dung quá ít lần. Chẳng hạn, hôm nay bạn luyện nghe và nghe được 1 từ mới là “bản lĩnh”. Nhưng trong 3 tháng sau đó, bạn không nghe thấy từ “bản lĩnh” được nói đến thêm bất kỳ lần nào. Lúc này, khi nghe thấy từ “bản lĩnh”, bạn sẽ thấy quen quen nhưng không hiểu được “bản lĩnh” nghĩa là gì. Đó là vì bạn nghe 1 từ mới quá ít lần trong thời gian ngắn, nên bộ não không ghi nhớ lâu được.
Thứ ba, bạn phát âm sai nên nghe không hiểu. Ví dụ, bạn biết cái tủ lạnh được viết là “cái tủ lạnh”, thế nhưng bạn lại đọc là “Cái hủ chạnh”. Khi đó, trong não bạn chỉ hình dung ra hình cảnh cái tủ lạnh khi nghe người khác nói “cái hủ chạnh”. Còn khi người khác nói “cái tủ lạnh” thì não bạn không hiểu người ta đang nói cái gì, dẫn đến bạn không nghe được.
Để nghe tốt và hiệu quả hơn, khi nghe một bài nghe có nhiều từ mới, bạn hãy làm theo những hướng dẫn sau:
4 bước để nghe hiệu quả 1 bài nghe mới
Nghe 1 – 2 lần bài nghe từ đầu đến cuối. Đừng dừng lại hay ngắt quãng nữa chừng. Chỉ nghe mà thôi, đừng đọc transcript hoặc xem phụ đề.
Bạn hãy xem phần transcript hoặc phụ đề xem có hiểu thêm được phần nào không? Phần nào mình nghe chưa kịp? Những từ quan trọng nào bạn không hiểu thì hãy tra từ điển (nếu cần).
Sau đó, bạn hãy nghe lại 1 lần nữa, vừa nghe vừa xem transcript. Chú ý những phần bạn nghe không được, chú ý cách phát âm (nhất là những từ mới hoặc từ bạn phát âm sai), chú ý giọng điệu của người nói…
Sau khi hiểu được thông điệp chính của bài, bạn hãy đóng hoàn toàn transcript lại và chỉ nghe mà thôi. Khi nghe toàn bộ bài từ đầu đến cuối, không ngắt quãng mà nắm được 90% nội dung chính của bài nghe là được. Lưu ý là bạn chỉ cần hiểu thông điệp chính là được, không cần phải nghe cho được từng từ một.
Một số lưu ý khác khi nghe tiếng Anh:
Nếu bạn muốn nghe tốt về chủ đề nào, hãy nghe nhiều bài nghe, nhiều nội dung khác nhau về cùng chủ đề đó. Nếu bạn từng nghe 4 bài nghe khác nhau nói về chủ đề “Đi chơi cuối tuần”, chắc chắc ở bài nghe thứ 5, bạn sẽ nghe dễ dàng và hiểu nhiều hơn.
Luyện nghe bằng Video clip sẽ dễ dàng và thú vị hơn so với nghe Audio. Bởi vì bạn có thể xem hình ảnh để hình dung bài nghe đang nói về cái gì. Hình ảnh kết hợp âm thanh cũng giúp khả năng ghi nhớ tốt hơn.
Hãy chú ý luyện phát âm và tập nói theo đúng ngữ điệu những gì bạn nghe được. Điều này có 2 cái lợi. Thứ nhất, bạn phát âm đúng thì nghe cũng chính xác, rõ ràng hơn. Thứ hai, nói lại những gì đã nghe giúp bạn nhớ lâu hơn.
Lời kết
Dĩ nhiên, bài viết bên trên không đủ để giúp bạn nghe tiếng Anh giỏi ngay được. Bản thân bạn cần phải kiên trì luyện nghe và áp dụng những hướng dẫn trên để đạt được kết quả. Nếu bạn làm được điều này, chỉ trong vòng 1 tháng đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ thấy mình có nhiều tiến bộ.